Một số trường hợp hợp đồng có thể bị vô hiệu và giải pháp tham khảo.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này: Các bên cần tìm hiểu kỹ các quy định cấm, các điều kiện cần đáp ứng theo quy định pháp luật liên quan đến giao dịch; Kiểm tra kỹ mức độ đáp ứng, các thông tin, hồ sơ của đối tượng giao dịch; Có thể tham khảo luật sư trước khi ký kết hợp đồng để được tư vấn các quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp thứ hai theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015: Khi các bên xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu
Tham khảo Bản án số 55/2024/DS-PT ngày 17/07/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Trong vụ án này, các bên ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất che dấu giao dịch vay tài sản. Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì xác lập giao dịch giả tạo.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này: Thực hiện giao dịch đúng bản chất, có thể sử dụng các biện pháp bảo đảm đúng quy định pháp luật; Tuân thủ nghĩa vụ thuế và các quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp thứ ba có thể dẫn đến Hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015: Hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
Tham khảo Bản án dân sự sơ thẩm số 120/2018/DS-S ngày 15/11/2018 của Toà án nhân dân Thành phố Thủ Dầu Một. Trong vụ án này: Một trẻ em dưới 18 tuổi đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của mình cho người khác, giao dịch có sự tham gia của mẹ, nhưng không có sự tham gia của bố. Tòa án tuyên hợp đồng này vô hiệu.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này là: Xác minh năng lực hành vi dân sự của các chủ thể ký hợp đồng trước khi giao dịch; Đối với người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự, cần có đầy đủ những người đại diện theo pháp luật tham gia giao dịch.
Thứ tư là trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015: Do xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch.
Tham khảo Bản án số 105/2017/DS-PT ngày 21/06/2017 của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh: Hợp đồng mua tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất bị tuyên vô hiệu do nhầm lẫn vì một phần đất thuộc quy hoạch làm đường giao thông.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này là: Thẩm định kỹ những vấn đề liên quan đến giao dịch trước khi ký kết hợp đồng; Mô tả thật rõ và đầy đủ những nội dung quan trọng trong hợp đồng đảm bảo thể hiện đúng mục đích ký kết hợp đồng; Nếu xảy ra nhầm lẫn, có thể đề nghị thương lượng với đối tác để điều chỉnh hợp đồng hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.
Thứ năm là trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015: do một bên tham gia hợp đồng bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
Tham khảo Bản án số 78/2023/DS-PT ngày 27/02/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Trong vụ án này: Toà án tuyên vô hiệu Hợp đồng kinh tế mở cơ sở khám, điều trị phục hồi chức năng do một bên lừa dối bên kia là có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề đông y để mở phòng khám, nhưng thực tế là không có, nên không thể xin được Giấy phép kinh doanh mở cơ sở khám bệnh.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này là: Trước khi ký hợp đồng, cần xác minh kỹ các thông tin liên quan đến đối tác ký hợp đồng, đối tượng giao dịch, lưu lại các chứng cứ trong quá trình các bên trao đổi, nếu bị lừa dối, cưỡng ép, đe doạ thì trình báo tới cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ sáu là trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015: do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập.
Tham khảo Bản án số 223 năm 2019 ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Trong vụ án này, một người đã bị lợi dụng khi đang trong tình trạng say rượu thực hiện giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất. Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì trái với ý chí của người tặng cho.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này là: Cần kiểm tra và xác minh kỹ lưỡng về năng lực nhận thức của những người tham gia giao dịch trước khi ký kết hợp đồng, đặc biệt là trong các tình huống có thể ảnh hưởng đến nhận thức như ốm đau, sử dụng thuốc, say rượu; Không thực hiện giao dịch khi những người tham gia giao dịch đang trong những tình trạng kể trên.
Thứ bảy là trường hợp hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015: do không tuân thủ quy định về hình thức.
Tham khảo Bản án số 66/2022/DS-PT ngày 31/05/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên Giấy xác nhận chuyển nhượng đất hai bên đã ký do không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật bị vô hiệu.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này là: Kiểm tra các quy định pháp luật liên quan về hình thức của giao dịch thực hiện trước khi ký kết; Các bên cần tuân thủ đúng quy định về hình thức. Các bên cũng lưu ý: Theo khoản 2 Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 những giao dịch vi phạm về hình thức nhưng đã thanh toán đạt 2 phần 3 nghĩa vụ thì có thể được Tòa án xem xét công nhận hợp đồng
Thứ tám là trường hợp hợp đồng vô hiệu theo Điều 408 Bộ luật Dân sự 2015 đó là: Hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.
Tham khảo Bản án số 293/2022/DS-PT ngày 03/06/2022 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: ông H ký Biên bản đặt cọc với Công ty DT về việc góp vốn mua một nền đất thuộc dự án do Công ty G là chủ đầu tư. Tuy nhiên sau khi ký biên bản và nộp tiền đặt cọc cho Công ty ĐT, Công ty G đã không đồng ý bán cho ông H nền đất với những nội dung nêu trên. Toà án đã tuyên giao dịch đặt cọc vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này là: Kiểm tra kỹ tình trạng pháp lý và thực tế của đối tượng trước khi giao dịch; Thỏa thuận rõ ràng về trách nhiệm trong trường hợp đối tượng không thể thực hiện.
Thứ chín là trường hợp hợp đồng vô hiệu theo Điều 142 Bộ luật Dân sự 2015: do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện.
Tham khảo Bản án dân sự sơ thẩm số 461/2023/DS-PT ngày 12/12/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre đã tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do bên bán đã thực hiện giao dịch nhưng không có thẩm quyền đại diện cho những chủ sử dụng thửa đất.
Giải pháp các bạn có thể tham khảo để tránh rủi ro này là: Kiểm tra kỹ thông tin về những chủ thể của giao dịch; Xác minh thẩm quyền của người ký kết trước khi giao dịch: Yêu cầu cung cấp giấy tờ về thẩm quyền ký kết hợp đồng.
Một số hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại điều 131 Bộ luật dân sự như sau:
Thứ nhất. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Thứ hai, Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Thứ ba, Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
Thứ tư, Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thứ năm, Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định.
Nếu các bạn cần biết thêm chi tiết, vui long liên hệ với Noahlaw!